117 lượt xem
Thời La Mã cổ đại, ở thành Rome về đêm chỉ những nhà giàu có mới sử dụng đèn dầu thực vật để chiếu sáng trước căn nhà của họ. Những nhà giàu có này sử dụng một người nô lệ chuyên trông coi việc thắp sáng.
Năm 1417 đánh dấu việc chiếu sáng đường phố công cộng có tổ chức lần đầu tiên. Thị trưởng thành phố London đã ra lệnh tất cả các nhà đều phải treo đèn lồng ở trước cửa khi đêm xuống trong suốt những tháng mùa đông.
Năm 1802, nhà phát minh William Murdoch người Scotland đã khởi động một phương pháp chiếu sáng đường phố hiệu quả hơn. Sản phẩm đèn khí than của ông đã được sử dụng để chiếu sáng bên ngoài nhà máy SOHO Foundry trong một buổi thuyết trình công cộng. 5 năm sau, thành phố London bắt đầu có đèn đường phố thắp sáng bằng khí đốt.
Năm 1816, Baltimore là thành phố đầu tiên của nước Mỹ lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường phố sử dụng khí đốt. Sau đó, hệ thống này cũng bắt đầu được lắp đặt ở thủ đô Paris nước Pháp vào năm 1820. Khi đó những đèn khí đốt sẽ được đặt trên đỉnh các cột.
Năm 1878, lần đầu tiên trên thế giới có đèn điện đường phố tại thành phố Paris, Pháp. Đây là kiểu đèn hồ quang hay còn được gọi là đèn nến Yablochkov. Đến năm 1881, có khoảng 4000 bộ đèn loại này đã được lắp đặt thay thế cho những đèn khí gas trước kia. Sau đó, loại đèn đường hồ quang này đã phổ biến tới nước Mỹ. Tới năm 1890 đã có hơn 130.000 bộ đèn chiếu sáng đường phố hồ quang được lắp đặt tại đây. Thời kỳ đó, những bộ đèn này được lắp trên đỉnh của cái gọi là “tháp ánh trăng” thay cho tên gọi “cột đèn chiếu sáng” như hiện nay.
Năm 1879, nhà phát minh Thomas Edison người Mỹ đã làm thay đổi thế giới khi ông tạo ra được loại bóng đèn chân không sử dụng sợi đốt carbon hay ngày nay thường gọi là đèn sợi đốt. Bóng đèn sợi đốt Edison có giá thành rẻ hơn, sáng hơn và tuổi thọ dài hơn so với đèn hồ quang nên đã được phát triển rộng rãi cho chiếu sáng đường phố.
Thập niên 1930, bóng đèn sodium áp thấp được giới thiệu tại châu Âu. Bóng đèn này bao gồm hai phần, phần bên ngoài tạo ra được một lớp chân không cách nhiệt cho phần bên trong giữ được nhiệt độ cao để duy trì natri ở dạng hơi. Đây là loại bóng có hiệu suất phát sáng rất cao nên đã được sử dụng nhiều để chiếu sáng đường phố công cộng thay cho đèn sợi đốt.
Tới năm 1965, bóng đèn cao áp sodium (HID) đã ra đời, mang lại màu sắc vượt trội và hiệu quả hơn so với bóng đèn sodium thấp áp. Và đèn cao áp sodium đã trở thành là loại bóng đèn phổ biến nhất thế giới dùng để chiếu sáng đường phố công cộng, cho tới khi đèn đường LED xuất hiện.
Năm 1907, nhà khoa học người Anh H.J. Round đã phát minh ra điốt bán dẫn phát sáng đầu tiên. Tiếp đó nhà khoa học Nga Oleg Vladimirovich Losev đã tạo ra chiếc đèn led đầu tiên, tuy nhiên thành tựu này đã nhanh chóng rơi vào quên lãng khi mà nó không được biết đến rộng rãi.
Năm 1962, Nick Holonyak người Mỹ lần đầu tiên đã nghiên cứu phát triển loại diode phát ra phổ ánh sáng nhìn thấy được.
Những năm 1974, 1976, 1994 và 1995, bằng việc ứng dụng các chất bán dẫn mới và kỹ thuật cấy ghép lên chất nền để tạo ra lớp bán dẫn p, các nhà khoa học đã phát minh được thêm các loại LED vàng, LED đỏ cam, LED xanh da trời, LED cáp quang. Sau đó, người ta lấy ánh sáng vàng trộn với ánh sáng xanh da trời và phủ thêm một lớp hợp chất có tên là YAG để cho ra đời ánh sáng trắng. Phải đến hơn 10 năm sau thì Nakamura mới được được trao giải thưởng công nghệ thiên nhiên kỷ cho phát minh này.
Ngày nay, đèn LED hiện đại có tuổi thọ dài hơn, tạo ra được ánh sáng chất lượng tốt hơn và tiết kiệm điện năng hơn so với đèn cao áp. Những năm trước đây đèn LED chỉ đại diện cho một phần nhỏ của hệ thống chiếu sáng công cộng, nhưng xu hướng hiện nay đã khác, chúng đang được phát triển với tốc độ nhảy vọt.
Chúng ta đã lược một chặng đường dài kể từ những ngày của người La Mã cổ đại. Với tốc độ gia tăng nhanh chóng của đèn LED như hiện nay thì trong tương lai gần đèn đường cao áp sẽ sớm bị tuyệt chủng như đèn dầu của người La Mã cổ đại.
Để lại thông tin để được tư vấn miễn phí!
Bình luận trên Facebook