Yêu cầu về chiếu sáng trong sản xuất công nghiệp

Chiếu sáng công nghiệp có yêu cầu về chiếu sáng khác nhau trong sản xuất với mọi quy mô từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cho đến những tổ hợp sản xuất công nghiệp lớn, từ những công việc yêu cầu cao về độ chính xác đến những công việc chỉ cần nhìn bao quát quá trình sản xuất.

Trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần bảo đảm các chỉ tiêu định lượng và chất lượng chiếu sáng cho hoạt động thị giác của người lao động. Chiếu sáng công nghiệp không chỉ đơn thuần là bảo đảm sự rõ ràng để thực hiện công việc mà còn phải giúp cho công việc được thực hiện thuận lợi trong điều kiện làm việc thoải mái nhất. Nghĩa là chiếu sáng phải bảo đảm 3 yếu tố chủ yếu sau:

  • Giúp quan sát chính xác, hiệu quả, người lao động thực hiện công việc nhanh chóng.
  • Người lao động luôn cảm thấy thoải mái dễ chịu.
  • Bảo đảm an toàn, có thể phát hiện những nguy cơ tại nơi làm việc.

Để thoả mãn những yêu cầu đó cần quan tâm tới các yêu cầu chung của môi trường ánh sáng dưới đây.

1. Yêu cầu chung trong chiếu sáng công nghiệp

  • Đảm bảo độ rọi yêu cầu phù hợp với từng vị trí làm việc.
  • Phân bố ánh sáng hợp lý trong không gian chiếu sáng.
  • Không gây chói loá cho người lao động.
  • Tạo hướng ánh sáng thích hợp.
  • Màu sắc ánh sáng phù hợp với công việc và màu sắc các bề mặt tại nơi làm việc.
  • Hạn chế sự nhấp nháy ánh sáng của các loại bóng đèn.
  • Bảo đảm mức độ ánh sáng tự nhiên cần thiết.
  • Duy trì các thông số ánh sáng ổn định trong suốt thời gian sử dụng.

2. Yêu cầu độ sáng nhằm đảm bảo khả năng quan sát và hiệu suất lao động

Bảo đảm đủ độ rọi thích hợp tại mỗi vị trí làm việc là yêu cầu trước hết đối với hệ thống chiếu sáng công nghiệp, bởi lẽ độ rọi có ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng quan sát của người lao động. Theo nghiên cứu, khi độ rọi tăng từ 100 lux lên 300 lux, khả năng quan sát tăng lên 8%. Điều đó sẽ cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Mức độ tăng năng suất lao động tuỳ thuộc từng loại công việc.

Kết quả tăng khả năng quan sát và giảm số lượng phế phẩm

3. Yêu cầu về chất lượng chiếu sáng đảm bảo tiện nghi và an toàn lao động

Một vấn đề khá quan trọng trong chiếu sáng công nghiệp đó là mối quan hệ giữa chiếu sáng với sức khỏe và an toàn lao động. Làm việc trong điều kiện chất lượng ánh sáng kém hoặc không đủ ánh sáng, người lao động có thể cảm thấy mỏi mắt, đau đầu,… làm suy giảm khả năng lao động.

Sự phân bố độ chói trong trường nhìn có ảnh hưởng đến sự thích ứng của mắt và độ nhìn rõ các chi tiết trong khi làm việc. Do vậy, bảo đảm độ chói hài hoà trong trường nhìn có thể nâng cao khả năng thị giác như: độ nhìn tinh, độ nhạy tương phản, tăng hiệu quả các hoạt động chức năng của mắt.

Độ chói phân bố không đều còn ảnh hưởng đến người lao động như sau:

  • Độ chói quá cao sẽ gây chói loá khó chịu.
  • Tương phản độ chói quá lớn sẽ gây mỏi mắt do thường xuyên phải thay đổi thích nghi thị giác.
  • Độ chói quá thấp và tương phản độ chói nhỏ gây cảm giác nặng nề, ức chế.

Sự phân bố độ chói hài hoà còn bảo đảm cho mắt dễ dàng thích nghi khi phải di chuyển giữa các khu vực khác nhau.

Tương quan giữa thành phần có hướng và vô hướng của ánh sáng cũng là chỉ tiêu quan trọng của chất lượng chiếu sáng cho phép cảm nhận về không gian.

Màu sắc ánh sáng không phù hợp gây khó chịu, chỉ số hoàn màu thấp gây nhận biết sai lệch khi quan sát các vật có màu.

Các loại bóng đèn phóng điện ví dụ như đèn huỳnh quang sử dụng chấn lưu sắt từ thường có hiện tượng nhấp nháy ánh sáng với tần số 100 Hz gây khó chịu cho người lao động dưới ánh sáng này. Hiện tượng nhấp nháy còn gây ra hiệu ứng hoạt nghiệm (stroboscopic effect), gây cảm nhận sai lệch về chiều quay và vận tốc của các vật quay hoặc chuyển động có chu kỳ tại nơi làm việc, thậm chí còn cảm thấy vật đứng lại khi tần số quay trùng với tần số nhấp nháy ánh sáng. Hiện tượng này có thể gây ra tai nạn nếu vô tình chạm phải vật quay mà tưởng như đứng yên này. Các nguy cơ trên có thể loại bỏ nếu bố trí các đèn vào các pha khác nhau của mạng điện hoặc sử dụng chấn lưu điện tử.

Tương quan giữa độ rọi và mệt mỏi thị giác được các nhà khoa học tại trường Đại học Illmenau – Cộng hòa Liên bang Đức nghiên cứu với các công việc trong ngành cơ khí cho thấy, tỷ lệ mệt mỏi thị giác giảm đi rõ rệt khi tăng độ rọi từ 100 Lux lên 600 lux. Mức độ giảm mệt mỏi khác nhau đối với mỗi loại công việc.

Loại Công Việc Tỷ Lệ Mệt Mỏi Thị Giác (%) Tại Các Mức Độ Rọi Khác Nhau
100 lux 200 lux 600 lux
Khoan 77 33 33
Rũa 75 50 18
Đột dập 65 65 22
Cắt 90 72 12
Cưa 98 44 3

Kết quả phân tích đã rút ra được kết luận như sau:

  • Phần lớn tai nạn lao động đã xảy ra ở những nơi làm việc có ánh sáng yếu, đặc biệt ở những chỗ làm việc có độ rọi đo được từ 50 – 200 Lux. Ở những nơi có độ rọi lớn hơn, số tai nạn giảm đi rõ rệt.
  • Tại những nơi làm việc có độ rọi chiếu sáng thấp thì tỷ lệ tai nạn lao động do di chuyển cao hơn so với nơi có mức độ rọi cao.
  • Các tai nạn lao động xảy ra tại khu vực làm việc có độ rọi thấp dưới 200 Lux chủ yếu là tai nạn do trượt ngã, vấp, bong gân,…

Cần phải nhấn mạnh rằng không chỉ độ rọi mà chất lượng chiếu sáng cũng góp phần không nhỏ vào nguyên nhân gây ra các tai nạn lao động. Như đã phân tích, chiếu sáng không đều có thể ảnh hưởng đến thích nghi thị giác và giảm sự chính xác khi quan sát, chói loá cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và hiện tượng nhấp nháy ánh sáng cũng không thể coi nhẹ như đã nêu trên.

Kết luận

Như vậy, chiếu sáng công nghiệp cần bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về số lượng và chất lượng ánh sáng, cần quan tâm đến tính chất công việc và khả năng thị giác của người lao động. Trên cơ sở đó sẽ nâng cao được hiệu quả sản xuất qua việc tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Đương nhiên hiệu quả chiếu sáng không thể tách rời vấn đề hiệu quả sử dụng điện năng, tiết kiệm điện nhưng phải bảo đảm chất lượng ánh sáng và tiện nghi thị giác mới là chiếu sáng có hiệu quả.

KS. Ngô Văn Quyền

Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động

(National Institute of Labour Protection)

Bình luận trên Facebook